Đồng bộ hóa công nghệ tiên tiến, hiện đại trong sản xuất hoa, cây cảnh
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thây, kỹ thuật trồng hoa tại các vùng chuyên canh đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, ngành hoa Việt Nam còn có khá nhiều tồn tại trong ứng dụng công nghệ, nhất là công nghệ cao.
Đơn cử, kỹ thuật nhân giống hoa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, phần lớn hoa trồng trong điều kiện tự nhiên ngoài đồng ruộng… Các công nghệ tiên tiến về hệ thống nhà kính, nhà lưới, tưới nước, bón phân, điều khiển sinh trưởng, phát triển, điều khiển ra hoa, giá thể… chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất và thiếu đồng bộ. Đặc biệt, vấn đề xử lý, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói sản phẩm, thiết kế bao bì nhãn mác chưa được quan tâm. Mặc dù sản phẩm hoa sản xuất ra có chất lượng tương đối cao nhưng khi đến thị trường chỉ đáp ứng được thị trường có yêu cầu thấp do công nghệ xử lý, bảo quản, vận chuyển còn kém, giá trị thương phẩm chỉ đạt 50-60% so với sản phẩm cùng loại được xử lý bảo quản tốt. Vì thế, dẫn đến hiện tượng thị trường trong nước bấp bênh, hoa chỉ bán được trong những ngày lễ, tết và rẻ, ế trong những ngày thường. Trong khi đó, ngay thị trường trong nước, đặc biệt là các thành phố lớn đang hàng ngày phải nhập một lượng không nhỏ các sản phẩm hoa chất lượng cao với giá trị hàng triệu đô la.
Đối với thị trường quốc tế, hoa Việt Nam chỉ xuất khẩu được khoảng 4-5% tổng sản lượng (chủ yếu là của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài như Dalat Hasfarm). Nguyên nhân quan trọng nhất là công nghệ quản lý sau thu hoạch của ngành hoa Việt Nam hầu như chưa được tiếp cận, dẫn đến chất lượng hoa không đáp ứng được yêu cầu của thị trường hoa trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, sản xuất hoa mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự gắn kết giữa các nông hộ, các doanh nghiệp tư nhân, giữa nghiên cứu và sản xuất, thiếu qui hoạch cho các vùng sản xuất chuyên canh; chưa nghiên cứu, dự báo được nhu cầu thị trường nên thiếu định hướng trong kế hoạch sản xuất, tự phát.
Thống kê và phân tích của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Ninh cũng chỉ rõ, tính đến hết năm 2015, tỉnh này có 200 ha đất sản xuất hoa nói chung trong đó các loại hoa chất lượng cao bao gồm; hoa lan, lan Hồ điệp, hoa lyly, ngoài ra còn các loại hoa thông thường như: cúc, đồng tiền, violet… Tuy nhiên, trong tổng số 200 ha đất canh tác loại cây trồng này có chưa đến 10% diện tích đất được đầu tư có bài bản để sản xuất hoa. Do đó, yêu cầu cấp thiết là tăng cường hơn nữa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất hoa, cây cảnh, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Được biết, thời gian qua, UBND UBND tỉnh Bắc Ninh cũng có nhiều các chính sách để ưu đãi, tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, diện tích của các cở sở có áp dụng công nghệ cao trong sản xuất trên địa bàn tỉnh lại tăng rất chậm do yêu cầu của việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi cần có nguồn vốn đầu tư lớn, quy mô đất canh tác tương xứng và cần có nguồn lao động chất lượng cao.
Thực tế đã chứng minh rằng, nơi nào áp dụng công nghệ cao vào sản xuất thì nơi đó đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, năng suất được nâng cao và chất lượng gia tăng. Ở những diện tích trồng các loại hoa cao cấp được đầu tư rất cao, kỹ lưỡng ở các công đoạn sản xuất; Khâu giống, kỹ thuật, tưới nước. chăm sóc dinh dưỡng, thu hái, bảo quản chế biến. Mỗi công đoạn và môi bước khác nhau ấy đều sử dụng các kỹ thuật công nghệ cao.
Thực trạng trên đòi hỏi phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ cao, trong đó, tiếp tục thúc đẩy để ngành hoa phát triển sang giai đoạn mới mang tính hàng hóa và nâng cao giá trị gia tăng thông qua việc chọn tạo các giống bản quyền, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch và các giải pháp thị trường để ngành hoa thực sự mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững.
Theo đó, ứng dụng công nghệ truyền thống và công nghệ hiện đại (sinh học phân tử, đột biến phóng xạ…) đẩy mạnh việc nghiên cứu chọn tạo giống mới có bản quyền Việt Nam. Tiến hành mua bản quyền giống thương mại để có thể xuất khẩu cũng như ứng dụng công nghệ nhân giống tiên tiến và kiểm soát chất lượng cây giống chặt chẽ.
Đối với sản xuất hóa, không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đồng bộ từ nhà kính, nhà lưới đến hệ thống tưới. Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất để nâng cao chất lượng hoa, đặc biệt là kiểm soát sâu bệnh hại đáp ứng được yêu cầu kiểm dịch thực vật nhằm xuất khẩu vào các thị trường lớn. Song song, tập trung nghiên cứu, chuyển giao kết quả nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch thông qua các chương trình khoa học công nghệ, khuyến nông của địa phương và Trung ương.
Tìm kiếm các giải pháp đột phá về thị trường
tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, Thanh Hóa (Ảnh: HNV)
Ngoài ra, xây dựng và liên kết chặt chẽ với các đối tác quốc tế ở các thị trường lớn, từ đó nắm bắt được nhu cầu thị trường, hệ thống luật pháp, xây dựng hệ thống phân phối quốc tế (Các công ty nhập khẩu, bán đấu giá Côn Minh, Tokyo, Thái Lan...)
Bên cạnh đó, hình thành các cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành, điều khiển hệ thống ánh sáng, nhiệt độ, chế độ tưới trong nhà lưới; Hình thành hệ thống mạng lưới, lập trang web chia sẻ thông tin, kiến thức, liên kết giữa các khâu nghiên cứu – sản xuất – thị trường của ngành hoa trong cả nước.
Thêm vào đó, đẩy mạnh hoạt động, nâng cao vai trò của các hiệp hội, hợp tác xã trong sản xuất và khi tham gia thị trường cho các hộ nông dân; Có chính sách về vốn, chính sách thuế ưu tiên cho nhập khẩu giống, vật tư, thiết bị cho nông nghiệp.
Xã hội càng phát triển, đời sống càng nâng cao, nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ càng khắt khe và kỹ lưỡng hơn. Do đó, phải xác định không ngừng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao mới thu hút được đông đảo người tiêu dùng.
Muốn làm như vậy, đã tới lúc phải đồng bộ hóa các vùng hoa, cây cảnh tập trung chuyên canh với các công nghệ tiên tiến, hiện đại hàng đầu cũng như đầu tư mạnh tăng khả năng chọn tạo giống hoa bản quyền Việt Nam nhờ kết hợp công nghệ truyền thống và công nghệ sinh học hiện đại, từng bước xây dựng thương hiệu hoa, cây cảnh Việt Nam, phát triển ngành một cách hiệu quả bền vững./.
Lê Anh